Chụp Ảnh Nội Thất và Kiến Trúc Giống 3D – Cứu Cánh hay Cơn Ác Mộng?
- 15mm Photography
- Mar 18
- 3 min read
Đôi khi nhận job chụp ảnh, tôi được khách hàng dúi vào tay mình bộ ảnh 3D với lời nhắn: "Anh/em cứ chụp giống y thế này là ok nhé! 🙋♂️" . Lúc đó, trong đầu tôi chỉ có một câu: “Ơ kìa, tôi là nhiếp ảnh dạo chứ có phải render đâu?” Nhưng rồi cũng hít một hơi sâu, xốc lại tinh thần và bắt tay vào làm. Vì sao ư? Vì chuyện này không hề hiếm, thậm chí càng ngày càng phổ biến! Nhưng việc chụp giống bản vẽ 3D có phải là ý tưởng tuyệt vời không?

📌 Điểm cộng: 3D như kim chỉ nam, đỡ nhức não!
✅ Tiết kiệm thời gian tìm góc chụp
Thật lòng mà nói, có sẵn bản vẽ 3D cũng là một món quà. Nó giúp mình không phải cắm cúi đi loanh quanh như kẻ mất hồn để tìm góc đẹp. Những góc đó đã được kiến trúc sư chọn sẵn, có bố cục đẹp, ánh sáng lung linh. Chỉ cần canh góc chuẩn, căn chỉnh một chút là xong.

✅ Khách hàng dễ hài lòng
Khi mình chụp giống 3D, khách hàng thường rất phấn khởi: "Đúng rồi, đúng cái góc này tôi thích!" – một sự sung sướng hiếm hoi trong ngành chụp ảnh, vì ai cũng biết khách hàng khó tính cỡ nào.

✅ Dễ làm việc với team thiết kế
Đôi khi, ảnh thực tế còn được dùng để đặt song song với ảnh 3D trong portfolio của công ty kiến trúc. Nhìn hai tấm giống nhau, người ta sẽ thấy công trình thực tế "chuẩn chỉnh" như thiết kế, không bị “một trời một vực” như thường lệ.

📌 Nhưng... chờ đã! Đời không như mơ đâu!
❌ Góc đẹp trong 3D nhưng đời thực… hết hồn!
Có những góc trong 3D trông cực kỳ đẹp, nhưng đến nơi mới phát hiện: "Ủa khoan, đứng đâu để chụp vậy ta?" Tường chắn hết, hoặc góc đó chỉ có thể bay drone vô nhà mới chụp được. Nếu là penthouse rộng rãi thì đỡ, nhưng lỡ mà là căn hộ nhỏ, muốn lùi ra xa thêm chút cũng chẳng có đất mà đứng, chỉ còn mỗi cách gõ mã chui tường. 😵

❌ Ánh sáng trong 3D là "thiên đường", còn ánh sáng thực tế là… ác mộng!
Trong 3D, mặt trời luôn ở vị trí "hoàn hảo", ánh sáng chiếu qua cửa sổ dịu dàng như trong mơ. Nhưng thực tế? Chụp lúc 10 giờ sáng thì nắng chói chang, trưa thì gắt như thiêu, còn chiều thì ánh sáng dập dềnh khó đoán. Có khi phải còng lưng vác cả đống đèn vào chỉ để tạo lại "ánh sáng thần thánh" như trong 3D.

❌ Nội thất thực tế = Không như kỳ vọng!
Trên 3D thì ghế ngay ngắn, bàn sạch bóng, mọi thứ như vừa bước ra từ showroom. Còn thực tế? Ghế lệch, đồ đạc lung tung, dây điện chạy ngang chạy dọc. Thậm chí có những món trong 3D lung linh nhưng ra đời thật thì… chưa lắp xong! Và đoán xem ai sẽ phải đau đầu chỉnh sửa hoặc tìm cách che đi? Đúng rồi, là mình! 😭

📌 Vậy chụp ảnh nội thất và kiến trúc giống 3D có phải là cách làm đúng không?
Thật ra, chụp theo bản vẽ 3D không xấu, nó giúp nhiếp ảnh gia có định hướng rõ ràng, khách hàng dễ hình dung. Nhưng nếu chỉ chụp y chang mà không sáng tạo thêm thì bộ ảnh có thể… hơi nhạt.
🔹 Giải pháp:
Xem 3D là "kim chỉ nam", nhưng đừng để nó bó buộc. Chụp những góc đó trước, sau đó thử thêm những góc mà thực tế nhìn đẹp hơn.
Để ý ánh sáng thật, vì không phải lúc nào cũng có thể "bắt chước" ánh sáng 3D một cách hoàn hảo.
Nếu có chi tiết thực tế không giống 3D, hãy bàn bạc với khách xem có cần chỉnh sửa hay không, tránh trường hợp chụp xong rồi khách lại đòi sửa cho giống.

🎯 Kết luận: Cân bằng giữa thực tế và kỳ vọng
Nếu bạn là nhiếp ảnh gia chụp nội thất và kiến trúc, đừng quá căng thẳng khi nhận yêu cầu chụp giống 3D. Cứ bình tĩnh, thực hiện nó trước, nhưng đừng quên tạo ra những khung hình có hồn, phản ánh đúng cái đẹp của không gian thực tế. Vì suy cho cùng, ảnh đẹp nhất không phải là ảnh giống 3D nhất, mà là ảnh truyền tải được cảm xúc của không gian! 💪📷
*Bài viết có sử dụng một số hình ảnh từ khách hàng ICADVN
Comments